CHÙA BÚT THÁP
Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự 寧福寺) nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, nhân dân trong
vùng còn gọi là chùa Nhạn Tháp. Tên cũ của chùa trước đây gồm có:
Thiếu Lâm Tự, Hoàng Cung Tự.
Theo sách Địa chí Hà Bắc (1982) thì chùa có từ đời vua Trần
Thánh Tông (1258-1278). Thiền sư Huyền Quang (đỗ Trạng
nguyên năm 1297) đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn
tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình
hoa sen. Ngọn tháp này nay không còn nữa. Đến thế kỷ 17, chùa đã trở nên nổi tiếng
với sư trụ trì là Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644), người tỉnh Phúc Kiến, Trung
Hoa,
sang Việt Nam năm 1633 và trụ trì ở chùa. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch và được vua Lê
phong là "Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư". Tiếp đó,
người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là Thiền sư Minh Hạnh, học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Chuyết. Vào
thời gian này, Hoàng
thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu
hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu
Tuệ), xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc
ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Chùa kiến trúc theo kiểu
"Nội Công Ngoại Quốc". Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút
Tháp hiện nay chính là ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ đó, tên chùa thời
kỳ đó là “Ninh Phúc Thiền Tự”.[13]
Trong
cuốn L’art vietnamien “nghệ thuật Việt Nam” của L.Bezacier (Nhà nghiên cứu
người Pháp, xuất bản năm 1944) cho biết: “Trạng nguyên Lý Đạo Tái, sinh năm
1254, quê làng Vạn Tư, huyện Gia Định, đỗ trạng nguyên năm 1274 - ông cáo quan
về chùa Bút Tháp tu hành và mất năm 1333. Nếu theo tài liệu trên thì ngôi chùa
đã có từ thế kỷ 13 hoặc thế kỷ 14.
Sang
đầu thế kỷ 18, chùa Ninh Phúc lại được tu sửa với quy mô lớn. Bia
"Ninh Phúc thiền tự bi kí" dựng năm Vĩnh Thịnh 10
(1714) chép rằng "trong xã vốn có danh lam cổ tích là chùa
Ninh Phúc, tuy được mở dựng bởi bậc thánh đời trước, nhưng qua nhiều
năm đã hư hoại" và được các quan viên như Luân Quận công họ
Lê, Nhu Thuận quận chúa họ Trịnh, Thể Thái Hầu là Lê Hội, Dĩnh Quận
Công Lê Đĩnh, Ninh Lộc Hầu Lê Vịnh,... cho tu sửa thêm khang trang hơn mà
"chẳng tiếc ngàn vàng sắm mua toàn gỗ tốt, lại được dân làng
góp sức mời thợ cất dựng sửa sang, điện thờ nguy nga, chùa chiền rộng
rải, trang điểm một bầu thế giới Lưu ly" (Khánh Lưu bi kí-1714).
So với trước kia thì sau khi chùa được dựng lại thêm "dãy nhà
riêng ở phía sau Phật đường", chùa đã quy mô to lớn hơn trước hơn
rất nhiều.
Sau
đó hơn 20 năm thì chùa lại được trùng tu một lần nữa, lần này có
lẽ là lần định hình nên kiến trúc và diện mạo của chùa cho đến
ngày nay, bao gồm toàn diện các toà nhà đều được trùng tu lại cho
thêm mới. Bia tháp Tôn Đức dựng năm 1739 cho biết "trụ trì chùa
Ninh Phúc là Sa môn Tính Hài hưng công tu sửa trang hoàng, tu dựng
tượng vàng ngày lành tháng 4 năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5
(1739) triều Lê". Cũng trong lần tu sửa này toà Cửu phẩm
liên hoa cũng được tạo dựng.
Đầu
thời Nguyễn, sau một thời gian đất nước dần trở về sự ổn định và
nhân dân yên ổn làm ăn thì nhu cầu tâm linh của họ được chú trọng.
Cùng với thời gian diện mạo chùa xưa nay đã tiêu điều, chuông cũ tiếng
vang không còn được như xưa, dân tình và các quan viên hương lão đã họp
bàn đúc lại chuông.
Sang thế kỷ 20, Tổng đốc
Ninh Thái là Hoàng Trọng Phu đi qua vùng Thuận Thành thấy chùa hoang
vắng tàn lụi nên bàn bạc cùng quan lại thu thập tiền của mà trùng
tu "từ ngày 1 tháng 10 năm Quý Mão khởi công tu sửa chùa, tới
ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn (1905) thì hoàn thành". Từ đó tới
nay đã 100 năm, chùa lại mấy lần được sửa sang, như các năm 1937, 1940,
1957 và gần đây là đợt có quy mô lớn vào các năm 1990-1993.
Tương
truyền, thuở xưa đàn chim nhạn ở các núi trên thường bay về đậu trên ngọn tháp
đá của chùa-cảnh thiền đất lành chim đậu, và tên chùa Nhạn Tháp cũng được hình
thành là thế. Đời Tự Đức (1848-1883), ngôi chùa bắt đầu mang tên mới là Bút
Tháp.
Với
những giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật, chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn
hóa -Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 313-VH/VP
ngày 28 tháng 4 năm 1962. [14]
Đây
là một trong không nhiều ngôi chùa cổ, có quy mô kiến trúc lớn của Đồng
bằng Bắc Bộ còn lại đến ngày nay. Chùa có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa
giữa kiến trúc với môi trường thiên nhiên. Toàn bộ kiến trúc chính của chùa
quay theo hướng Nam, một hướng truyền thống của người Việt. Đối với đạo Phật hướng Nam là hướng của
trí tuệ, của bát nhã.
Quần thể kiến trúc còn giữ lại nhiều di tích của thế kỷ 17. Cụm kiến trúc trung tâm ở
Chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một
đường "Thần Đạo" và được bao bọc bởi hai dãy hành lang chạy suốt dọc
chùa ở hai bên, đó là tòa Tiền Đường Thượng Điện, cầu đá tòa Thích Thiện Am
Trung Đường, phủ thờ nhà Hậu Đường và hàng tháp đá. Sự bố trí chặt chẽ ở khu
vực trung tâm này thể hiện một nội dung tư tưởng về giáo lý của đạo Phật. Phật
điện của chùa gần như nguyên sơ của chùa cổ Việt Nam, gồm 10 nếp nhà nằm trên
một trục dài hơn 100 m. Qua cửa Tam quan, đến gác chuông hai tầng,
tám mái.
Chùa chính với ba dãy nhà Tiền đường - Thiên hương - Thượng
điện tạo thành chữ "công". Cách bố trí như vậy làm nổi bật điện thờ
bên trong với các pho tượng. Kiến trúc chùa vẫn dùng khung gỗ chịu lực nhưng
nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến, trên có những hình động vật được khắc
trông sinh động và độc đáo. Trang trí được thể hiện ở mọi nơi trên các chất
liệu gỗ và đá, ở kiến trúc và ở các đồ thờ. Đặc biệt trên lan can tòa Thượng
Điện có 26 bức chạm khắc đá, trên lan can cầu đá nối với Tòa Thích Thiện Am có
12 bức và ở lan can quanh chân tháp Báo Nghiêm có 13 bức. Như vậy tổng cộng các
bức chạm khắc đá ở chùa Bút Tháp là 51 với những đề tài khác nhau, nhưng đều
thống nhất với nhau ở mặt chất liệu, phong cách và thống nhất về niên đại. Hình
ảnh chạm khắc ở đây sống động tươi vui hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt
mang đậm nét tính chất nghệ thuật thiền. Các bức chạm đều tập trung về đề tài
thiên nhiên phong phú sinh động như Tứ Linh Quý [13]
Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều
cổ vật: Bia đá, lô nhang, am thờ, án giao,…Chùa Bút Tháp có một hệ thống tượng tròn rất đặc
sắc so với những ngôi chùa khác.
Tượng Phật giáo ở đây có nhiều loại, như tượng các vị Bồ Tát, tượng Hộ Pháp,
tượng các vị La Hán... trong đó có những pho rất quý, nổi tiếng cả nước và được
giới nghiên cứu xem là khuôn mẫu của tượng Phật giáo Việt Nam, như tượng Quan
Âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Tam thế Phật,... Ngoài
ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành
kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ,... còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc
nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo. Bồ tát Quan Thế Âm
thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, ngoài ra còn có bộ
tượng tam thế, tượng Quan âm tọa sơn, tượng Văn Phù và Phổ Hiền Bồ
Tát, các pho tượng hậu bằng gỗ như tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị
Ngọc Trúc, tượng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, tượng Quận chúa Trịnh
Thị Ngọc Cơ và rất nhiều các pho tượng cổ khác, là những tác phẩm
nghệ thuật vô giá.
Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội
truyền thống được tổ chức vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa
Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Được tổ chức thường niên với
các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.[14]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét