Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Chùa Dâu - Tổ chùa Việt Nam


CHÙA DÂU- TỔ CHÙA CỦA VIỆT NAM

            Là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, chùa Dâu  không chỉ mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc mà đó còn là nơi khởi nguồn của đạo Phât. Chùa Dâu đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến hành hương, tìm hiểu.

Goi là chùa Dâu vì dân cư ở đây ngoài trồng lúa nước còn có nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải.Chùa  còn có những tên khác là chùa cả, Cổ châu tự, Thiền định tự, Diên ứng tự.Chùa Dâu  thuộc làng Khương Tự- huyện Siêu Loai- phủ Thuận An- xứ Kinh Bắc, nay thuộc làng Khương Tự- xã Thanh Khương- huyện Thuận Thành- tỉnh Bắc Ninh. Chùa Dâu, thành Luy Lâu vố   là trị sở của quận Giao Châu thời thuộc Hán.
Theo ghi chép trong sử sách và bia đá tại chùa, chùa Dâu được xây dựng từ thế kỷ II( 187- 226) dưới thời Sỹ Nhiếp làm thái thú. Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa đã được xây dựng, tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Đợt tu bổ lớn nhất là vào đời vua Trần Anh Tông(1293-1315), do trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đảm nhận, chùa Dâu trở thành “ chùa trăm gian- tháp chín tầng- cầu chín nhịp”.Đến thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn chùa Dâu tiếp tục được trùng tu và mở rộng ,có quy mô lớn. Tấm bia có niên đại Vĩnh Hựu thứ 4(1738) ghi chép về việc hưng công sáng tạo chùa Dâu. Năm 2011, chùa Dâu  lại được trùng tu, tôn tạo theo nguyên tắc giữ gìn tối đa “ nguyên gốc”.
             Đây là di tích  gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương .Man Nương,người làng Mãn Xá bên cạnh.,đến chùa học đạo. Một hôm nàng ngủ quên, nhà sư vô tình bước qua, mà từ đó mang thai. Đến ngày 8-4(âm lịch) hạ sinh một nữ nhi tốt lành. Nàng đem con trả lại cho sư. Nhà sư mang đứa bé đến cây dung thụ gõ đọc kệ, cây dung thụ bỗng nứt toác ra ôm đứa trẻ  vào lòng. Sau đó mưa bão đánh đổ cây dung thụ, cây trôi theo dòng sông Dâu về thành Luy Lâu, được  Man Nương vớt lên. Thái thú Sỹ  Nhiếp nằm mộng  phải tạc tượng thờ từ cây dung thụ   nên cho người tạc thành 4 bức tượng lần lượt đặt  tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện , thờ   các chùa quanh vùng. Chùa Dâu thờ Đại thánh phật Pháp Vân.

            Chùa Dâu và các chùa Tứ pháp vùng Dâu đều được xây dựng theo kiểu “ nội công ngoại quốc” nhằm vừa để thờ thần , vừa để thờ phật.. Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, cảnh quan đẹp, hướng Tây, sát đường 282. Chùa gồm các công trình: Tam quan, Tiền thất( Bái vọng đường), Tháp Hòa phong, Tiền đường, Thiêu hương,hai dãy hành lang,  Thượng điện, Hậu đường, Nhà Tổ, nhà khách, vườn tháp.
( chèn các Hình ảnh về chùa Dâu: ảnh Tiền Đường, Hai dãy hành lang, Thiêu hương- có chú thích rõ ràng)
Nổi bật giữa sân chùa là Tháp Hòa Phong. Tháp được xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa,nung thủ công tới già. Thời gian đã lấy đi 6 tầng trên của tháp, nay chỉ cò 3 tầng cao khoảng 17 m nhưng vẫn rất uy nghi, vững trãi.  Cửa phía tây của Tháp có con cừu đá dài 1.33m, cao 0,8m mang đậm dấu ấn văn hóa phương Bắc.Truyện kể  rằng Sỹ  Nhiếp có 2 con cừu. Khi ông chết, hai con cừu lang thang khắp nơi, một con tìm về  được lăng Sỹ  Nhiếp  nằm phủ phục, 1 con lạc đến chùa Dâu, nằm ở đó nghe kinh.. Trước cửa phía tây còn có  tấm bia “Hòa Phong Tháp bi ký”, “ Cổ Châu Diên Ứng Tự” ( Bia đá tháp Hòa Phong , chùa Diên Ứng Cổ Châu) và  bia “hưng công sáng tạo”( ghi công những người đóng góp). Trong lòng tháp có 4 bệ  gạch thờ 4 vị Tứ Trấn, bằng gỗ phủ sơn, cao 1,6m  mỗi người một vẻ, tướng võ oai nghiêm.. Phía trên cao trong lòng tháp treo môt khánh đồng đúc vào năm Minh Mạng 18 (1837) và chuông đồng đúc vào triều Cảnh Thịnh (1793).

Hai dãy hành lang nối hai bên Tiền thất chạy thẳng xuống Hậu Đường , nơi đây thờ 18 vị La Hán.

Thượng Điện được thiết kế 1 gian, hai chái, 4 vì tạo thành 4 mái đao cong. Tại trung tâm Thượng Điện là ban thờ Đại thánh Pháp Vân. Ngài tọa trên tòa sen đặt trong khám thờ lớn chạm rồng và sơn son thiếp bạc. Tượng cao 1.57m- mang dáng vẻ của một người phụ nữ đôn hậu, khỏe mạnh,  có thực trên đời nhưng lại là một đức phật ở thế thuyết pháp, niệm chú. Toàn thân sơn màu mận chín là biểu tượng của một bầu trời no đủ mây mưa, sấm chớp; phía dưới tượng Pháp Vân, hai bên có tượng bà Trắng, bà Đỏ - những người công đức nhiều tiền của vào chùa Dâu làm hương hỏa.. Trước mặt tượng Pháp Vân có tượng Thạch Cương hay Thạch Quang- là một hòn đá cuội màu nâu nhạt, cao 0,19m, đường kính đầu 0,11m. Hiện nay tượng Thạch Quang được đặt trong một hộp sơn son thiếp vàng.

Hậu đường gồm 9 gian là nơi thờ các lớp tượng về sau đối với tượng Pháp Vân như các ban: Đức Ông, Quan Âm, Thánh Hiền, Địa Tạng Vương, Hậu Phật
Sát bên trái Hậu Đường là nhà Tổ, vừa thờ Tổ vừa thờ Mẫu. Nằm sát nhà Tổ, song song với dãy hành lang là nhà Khách. Phía sau là vườn chùa, có 8 tháp gạch , nơi đặt di cốt của các sư tăng trụ trì tại chùa.
Xưa kia, hội Dâu được tổ chức trong 4  ngày, chính hội là ngày mùng 8 tháng tư âm lịch. Hội Dâu đông đúc và vui lắm, thu hút đông đảo  khách thập phương về lễ phật cầu may. Trong lễ hội, ngoài phần thi lễ quen thuộc về tín ngưỡng tôn giáo như: rước kiệu Pháp Vân, tượng bà Trắng, bà Đỏ…còn có phần hội là những trò vui như múa hát và các cuộc thi, Thi múa trống có tính chất khai hội, thi múa gậy để dẹp đường, nhất là thi cướp nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa- đó cũng là tín ngưỡng của người Việt cổ.

Cuộc thi cướp nước được tiến hành vào trưa ngày 8-4- tức ngày chính hội. Để chuẩn bị cho cuộc thi người ta đã kê sẵn 2 cái bàn bằng gỗ lim vững chắc, rồi  dùng vải màn quây xung quanh  Hai chiếc bàn kê ở giữa 2 bên cửa nghách Cổng Tam quan, cách dãy nhà tiền tế khoảng 200 m. Tượng Pháp Vân, Pháp Vũ đặt trên 2 chiếc kệ, mỗi kệ do 8 chàng trai khỏe mạnh, vóc dáng cân đối, cao bằng nhau rước kiệu với tốc độ nhanh nhất có thể  trong tiếng hò reo của những người xem hội.Nếu như bà Đậu- Tượng Pháp Vũ về đích trước thì năm đó mưa thuận, gió hòa, cây cỏ tươi tốt. Còn nếu bà Tướng – tức Pháp Lôi về đích trước thì năm đó hạn hán mất mùa, đồng ruộng lắm sâu, nhiều đỉa.Đó cũng là lý do để người ta háo hức tham gia, chờ đợi.Tiếp đó 2 tượng Pháp Vân và Pháp Lôi được rước vào chùa để chuẩn bị lễ bái Tổ.
Ngày nay, qua những thăng trầm của lịch sử, Sông Dâu, cầu chín nhịp, tháp chín tầng( nay chỉ còn 3 tầng), chợ âm dương đã mất. Hội Dâu cũng không còn như xưa. Điều đó rất cần sự chung sức của nhiều ban nghành để phục dựng lại.
Tuy vậy, trong tiềm thức của người Kinh Bắc nói chung và người dân Thuận thành nói riêng thì ngày 8-4 âm lịch vẫn là ngày để “trở về”
Chùa Dâu là trung tâm phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam, thể hiện sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian thuần Việt và Phật Giáo..Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc có quy mô đò sộ, tinh xảo, mang đậm dấu ấn của các triều Trần, Lê, Nguyễn. Trong chùa còn bảo lưu được một kho tàng khổng lồ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá như chùa, tháp, bia đá, tượng thờ, sắc phong, đồ thờ tự, tín ngưỡng, lễ hội…Chùa đã được công nhận là “Di sản Văn hóa quốc gia đặc biệt” năm 2013.
Chùa Dâu xứng đáng là danh lam cổ tự. Là niềm tự hào của người dân  Thuận Thành nói riêng và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung. Chùa Dâu hứa hẹn sẽ trở thành trọng điểm du lich văn hóa tâm linh trong tương lai không xa.

Nhóm đề tài tổng hợp và sưu tầm

Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương

Kinh Dương Vương - Đức thủy tổ 
mở mang bờ cõi đất nước


Từ thành phố Bắc Ninh xuôi theo đường 38 khoảng 12km, qua Cầu Hồ rẽ phải, đi dọc theo đê Sông Đuống khoảng 5km là đến làng Á Lữ- xã Đại Đồng Thành- huyện Thuận Thành, nơi có Đền và Lăng Kinh Dương Vương- thủy Tổ của dân tộc ta. Di tích Lăng  mộ Kinh Dương Vương nằm trên khu đất rộng, ở ngoài đê Sông Đuống, rợp bóng cây cổ thụ.
(Chèn ảnh bản đồ vệ tinh có đánh dấu lăng KDV)
            Trong” Đại Việt sử kí toàn thư”, “ Việt sử thông giám cương mục” viết như sau: Tổ tiên của nước Việt  ta tương truyền vua đầu tiên gọi là Kinh Dương Vương, là con vua  Đế Minh và Vụ Tiên, tên gọi là Lộc Tục. Lộc tục tinh thần đoan chính, có Đức tính của thánh nhân nên rất được đế minh yêu quý, muốn truyền ngôi, nhưng Lộc Tục từ chối nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai trị phương Bắc,phong cho Lộc Tục là Kinh Dương Vương, cai trị Phương Nam.
            Tục truyền vua Kinh Dương Vương hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất(2879 TCN), đặt tên nước là Xích Quỷ đóng đô ở núi Hồng Lĩnh( còn gọi là Ngàn Hống), thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó Kinh Dương Vương rời đô ra Việt Trì- Phú Thọ.
            Trong quá trình mở mang, gìn giữ bờ cõi non sông, vua đến đất Phúc Khang( nay là thôn Á Lữ -xã Đại Đồng Thành- huyện Thuận Thành- Tỉnh Bắc Ninh), thấy nơi đây có thế đất quý, có tứ linh, có sơn thủy hữu  tình, liền cho dựng tòa hành cung để tụ họp dânchúng  bàn việc non sông xã tắc.Từ đấy trên đất Phúc Khang, Kinh Dương Vương hình thành, phát sinh, phát triển.
 Toàn cảnh khu Lăng mộ Kinh Dương Vương
            Con trai Kinh Dương Vương là Sùng Lãm lên nối ngôi, hiệu là Lạc Long Quân, kết duyên cùng nàng Âu Cơ, sinh ra 100 người con chia nhau trị vì đất nước.
            Để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng, giáo dục nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên”, cho các thế hệ người Việt, Nhân dân đã dựng Đền và Lăng Kinh Dương Vương .
            Khu  tích Lăng Kinh Dương Vương vốn  xây dựng từ xưa, được tu sửa  thời vua Minh Mạng thứ 21(1840). Lăng mộ Kinh Dương Vương hiện nay là công trình được nhân dân địa phương xây dựng lại năm 1971 và năm 2001 lại được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đại tu trên đát cũ nền xưa. Khuôn viên khu di tích rộng 4000 m2, trên một dải đất cao giáp  Sông Đuống, xung quanh là bãi bồi trải rộng. Trong khuôn viên Lăng có nhiều cây cổ thụ, tạo nên không gian tâm linh vừa tôn nghiêm, thanh nhã mà tráng lệ trữ tình.

            Nổi bật là lăng mộ Kinh Dương Vương, nằm trên mặt nền hình chữ nhật và cao hẳn so với mặt sân của Lăng. Đài lăng được xây dựng theo kiểu hai tầng chồng diêm  8 mái, với chiều cao tổng thể là 3m. Mặt nền của lăng hình chữ nhật. Trong lăng đặt tấm bia đá xanh  “ Kinh Dương Vương lăng khắc năm 1840. Trước lăng có một số câu đối và đại tự :
-          “Bất vong” (không quên)
-          “ Nam bang thủy Tổ”
-          Câu đối: “ Việt Nam sơ đầu xuất- Hồng Bàng vạn đại xương”, “ Lập thạch kỷ công nam thánh tổ- Phong thần quang đức Việt nhi tân”( Tạm dịch: Lập bia để ghi lại công đức thánh tổ nước Nam. Đắp mộ cho đức rạng rỡ với con cháu đất Việt.)
Như vậy, từ huyền thoại, sử sách, những chứng tích tại khu Đền và Lăng Kinh Dương Vương đều ghi nhận di tích Đền và Lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ- Đâị Đồng Thành- Bắc Ninh là nơi chôn cất và thờ  thủy Tổ của dân tộc ta- Lộc Tục-Kinh Dương Vương.
Lễ hôi Kinh Dương Vương được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 24 tháng giêng(âm lịch) hàng năm. Chính hội là ngày 24.

            Giá trị của khu di tích Đền và Lăng Kinh Dương Vương không phải ở kiểu dáng, chất liệu, quy mô đồ sộ, nghệ thuât của công trình mà chủ yếu là ở giá trị lịch sử. Di tích này là sự ngưng đọng và phản ánh nguồi cội, lịch sử dựng nước ta, là tài sản vô giá , quý báu và thiêng liêng của Tổ quốc. Đén với di tích này là thể hiện đại lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn của thế hệ chúng ta vàcon cháu  mai sau đối với các bậc tiền bối, thủy Tổ việt Nam.
            Đây cũng là niềm tự hào của người dân làng Á Lữ nói riêng và nhân dân Thuận Thành nói chung.

Nhóm đề tài sưu tầm

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp

Chùa Búp Tháp là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó. Chùa Bút Tháp được xây dựng vào thời hậu Lê - thế kỷ 17. Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Nằm trên địa bàn xã Định Tô, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Từ thủ đô Hà Nội theo đường 5 về hướng Đông bắc qua chùa Dâu và bờ đê sông Cầu khoảng 25 km là tới chùa Bút Tháp. Bút Tháp có tên nguyên thuỷ ghi trên tấm bia dựng vào năm Phúc Thái thứ 4 (1646) là "Ninh Phúc Tự". Ngoài ra, dân trong vùng còn gọi chùa là Nhạn Tháp

CHÙA BÚT THÁP

Toàn cảnh chùa
Toàn cảnh chùa

​Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp

​Mặt tiền chùa
Mặt tiền chùa
Tên thường gọi: Chùa Bút Tháp
Chùa thường gọi là chùa Bút Tháp, ở bên đê sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Nhiều tài liệu hiện nay cho biết chùa được dựng vào thời Trần. Sách Chùa Bút Tháp (Bùi Văn Tiến, 2000) cũng nói đến vị trụ trì chùa thời Trần là Thiền sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ.
Dưới sự bảo trợ của triều đình, chùa được trùng tu vào thế kỷ XVII. Thiền sư Chuyết Chuyết (tên Lý Thiên Tộ, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đến Thăng Long giảng dạy Phật pháp từ năm 1633) được mời trụ trì chùa cho đến khi viên tịch (1644). Vua Lê Chân Tông phong hiệu cho ông là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Đệ tử của ông là Thiền sư Minh Hành (người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) tiếp tục trụ trì chùa đến khi viên tịch (1659).
Việc hưng công ngôi chùa có quy mô lớn gắn với tên tuổi của giới quý tộc trong triều, là Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (con gái của Thanh vương Trịnh Tráng) pháp danh Diệu Viên, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên pháp danh Diệu Tuệ và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ.
Chùa kiến trúc theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”, gồm 10 nếp nhà với 162 gian nằm trên một trục dài hơn 100m. Qua tam quan, đến gác chuông hai tầng tám mái. Tiếp đến là nhà tiền đường, nhà thiêu hương, thượng điện. Ở đây còn nhiều di vật của thế kỷ XVII như hai tấm bia đá dựng năm 1647, tấm gỗ chạm hình rồng phượng, chiếc hương án gỗ. Chung quanh tòa thượng điện có lan can bằng đá với 26 bức phù điêu, trong đó, 8 bức chạm cỏ cây hoa lá gồm sen, cúc, trúc, lan, tùng… và 18 bức chạm các loài động vật (kèm với các hoa văn khác) gồm ngựa, dê, trâu, khỉ, cá…
Tòa thượng điện dựng trên nền cao hơn 1m, gian giữa thờ tượng Tam Thế Phật với hai bàn hương án bằng gỗ đều được chạm khắc vào thế kỷ XVII. Hai gian bên có nhiều tượng, đặc sắc là các tượng Tuyết Sơn, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Quan Âm tọa sơn… và kiệt tác là bảo tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. 
​Tượng Tuyết Sơn - tượng gỗ thế kỷ 17
Tượng Tuyết Sơn - tượng gỗ thế kỷ 17
Bảo tượng Quan Âm có 11 đầu, mặt chính nhìn phía trước, hai mang tai có hai mặt phụ. Đầu tượng đội thiên quan, phía trên đầu chính có các đầu nhỏ hơn xếp chồng lên nhau thành ba lớp, trên cùng là tượng đức Phật A Di Đà ngồi tòa sen trong tư thế thiền định. Chính giữa thiên quan là một đài sen, phía trên có phù điêu đức Phật A Di Đà ngồi thiền định, có đao lửa tỏa ra chung quanh, có rồng chầu hai bên.
​Một góc chùa
Một góc chùa
Các đầu tượng đều có khuôn mặt của phụ nữ đôn hậu, tóc chải ngược lên đỉnh búi thành cuộn, mắt hé mở nhìn xuống, tai tượng lớn và dày, đeo hoa tai là bông sen nở. Cổ tượng cao, chạm thành ba ngấn.
Có 42 tay lớn, cánh tay đều để trần. Các ngón tay trong tư thế ấn quyết hoặc thiền định. Ngón tay búp măng, cổ tay đeo vàng kép nổi hạt ở giữa. Vòng dây chuyền đeo từ cổ xuống ngực. Ao tượng bó sát người với nhiều nếp phủ trên vai, bụng tượng thắt hầu bao. Tượng ngồi tư thế thiền định, bàn chân phải đặt ngửa trên đùi trái.
Vành tay phụ phía sau làm thành một vòng tròn lớn đặt rời ra phía sau tượng. Trên đỉnh chạm một con chim có hai đầu người, cánh lớn xòe ra ôm lấy hai bên, đuôi chổng ngược. Vành tay được trang trí bằng hai đường diềm là văn xoắn và hàng dây cúc. Các cánh tay nhỏ được xếp thành nhiều lớp (từ 6 lớp ở phía dưới đến 14 lớp ở phía trên). Có 789 tay dài ngắn khác nhau, trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt được chạm chìm.
Đài sen được làm từ ba lớp cánh sen chính và một lớp phụ. Trong lòng mỗi cánh chính có hai gờ nổi nối từ gốc cánh sen lên phía trên rồi cuộn vào giữa để nâng nửa bông cúc mãn khai.
Tòa sen được một con rồng đội. Rồng có mắt lồi kép, sừng mai, tai hình lá, miệng há mở, có răng nhọn, miệng ngậm hạt minh châu. Rồng tạc kiểu nhô đầu và hai tay lên trên mặt biển cuộn sóng, trên mặt sóng là cua, ốc, trai, cá.
Bệ tượng được tạo thành nhiều cấp, nhiều lớp, được trang trí những hàng cánh sen, những vòng tròn kép, rồng và cá hóa long tranh nhau một quả cầu trên mặt bể, con lân đang vờn một viên ngọc lửa… Ở đây có ghi bằng chữ Hán niên đại tạo tượng: “Tuế thứ Bính Thân, thu nguyệt cốc nhật doanh tạo” và người tạo tác: “Nam Đồng Giao Thọ Nam Trương tiên sinh phụng khắc”.
Tượng có kích thước như sau: Chiều cao của tượng (tính từ đài sen lên): 235 cm; đầu rồng đội tòa sen: 30 cm; bệ tượng: 54 cm; chiều ngang của cánh tay xa nhất: 200 cm; chiều cao của vành tay phụ: 370 cm; đường kính của vành tay phụ: 224 cm.
Từ thượng điện, qua chiếc cầu đá ba nhịp đến tòa Tích Thiện am. Thành cầu cũng có 12 bức phù điêu đá miêu tả động vật và người.
Cầu đá ba nhịp
Cầu đá ba nhịp
​Cầu đá ba nhịp
Cầu đá ba nhịp
Chính giữa lòng nhà tòa Tích Thiện am đặt cây tháp gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục. Tháp mang ý nghĩa Cửu phẩm vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Tháp đặt nhiều pho tượng Phật, Bồ tát và trang trí nhiều mảng phù điêu lấy đề tài trong Phật thoại.
Sau Tích Thiện am là ba nếp nhà song song. Đó là nhà Trung, nhà Phủ thờ (có tượng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ) và nhà hậu đường thờ tượng tổ sư các đời.
Bên trái chùa còn có nhà tổ đệ nhất, thờ Thiền sư Chuyết Chuyết.
Chùa có ngọn tháp đá Báo Nghiêm cao hơn 13m, trong tháp, có tượng Thiền sư Chuyết Chuyết. Phía sau chùa có ngọn tháp đá Tôn Đức cao khoảng 10m, trong tháp, có tượng Thiền sư Minh Hành.
Tháp Báo Nghiêm
Tháp Báo Nghiêm
Chùa đã được trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915-1921 và 1992 – 1996. Đây là ngôi chùa có kiến trúc quy mô, hoàn chỉnh nhất còn lại ở nước ta. 
Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Link: http://dulich24.com.vn/du-lich-huyen-thuan-thanh/chua-but-thap-id-3276

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương



Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương


Từ thành phố Bắc Ninh ( trước là thị xã Bắc Ninh) xuôi đường 38 đến Cầu  Hồ (trước là phà Hồ) khoảng 12km, đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ được xây dựng từ lâu đời và được tu bổ lập bia năm Minh Mệnh thứ 21(1840).
25.16
Khu lăng Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê, cách dòng Đuống ngày nay khoảng 500m. Lăng xưa, rợp bóng đại thụ, tạo cảnh quan tĩnh mịch, uy nghiêm. Thời thuộc Pháp khu lăng bị tàn phá trơ trụi, mãi đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ mới có điều kiện quy hoạch và tôn tạo khang trang, thoáng mát mà vẫn đậm đặc dấu ấn của kiến trúc cổ.
Lăng có 8 mái “hai tầng mái”, trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ, trên đường vào về phía tay phải khu lăng mộ có ngôi nhà để du khách sắp lễ… toàn bộ diện tích khu lăng mộ khoảng 4200 m2. Nghi trượng khu lăng mộ gồm: Tấm bia đá xanh cao 1,05m, rộng 0,45m, mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng” bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng; trước lăng có đại tự “Nam bang thủy tổ” và câu đối “Việt nam sơ đầu xuất – Hồng bàng vạn đại xương” và “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ, Phong thần tổ tích bắc thần tôn”, cùng một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính…
Kinh Dương Vương được nhândân Á Lữ tôn thờ ở đình làng (đình bị Pháp phá năm 1949), đền trong thờ Lạc Long Quân, đền ngoài thờ Âu Cơ (hai đền đều bị Pháp phá năm 1949). Năm 1959 nhân dân Á Lữ rước ba vị về thờ ở khu văn chỉ (nơi thờ hiện nay). Đền hiện nay gồm ba gian xây cất kiểu chữ công, nhà ngoài (tiền tế) gồm 5 gian, đủ để lập các ban thờ và tiếp đón du khách thăm viếng, có tường gạch bao quanh để bảo vệ, diện tích khu đền khoảng 2347 m2.
Ba gian trong – gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái có ngai đặt trên bệ thờ Âu Cơ, gian bên phải có ngai đặt bệ thờ Lạc Long Quân, cùng với hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng…       Các bức đại tự đặt ở vị trí trang trọng: “Nam tổ miếu”“Nam bang thủy tổ” và câu đối “Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy – Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh thanh”“Phụ đạo thiên niên quốc – Âu Cơ bách noãn bào”… cùng 15 đạo sắc của các vua triều Nguyễn ban cấp hiện còn lưu giữ, đạo sắc có niên hiệu sớm nhất: “… Gia Long cửu niên (1810) tháng 8 ngày 11 Sắc chỉ. Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ luôn xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc”… Đạo sắc có niên hiệu muộn nhất… Khải Định cửu niên (1924) tháng 7 ngày 25 sắc chỉ, Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu loại huyện, Á Lữ xã, toàn tiền phụng sự Kinh Dương Vương hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông ban cấp, sắc chỉ chuẩn hứa phụng sự tứ kinh chính trực…
Ngoài lăng mộ, đình, đền và những sưu tập hiện vật được bảo trọng tại Á Lữ Đại Đồng Thành, Thuận Thành, nói về thủy tổ người Việt, rành rành sử sách còn ghi:
“… Vua Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục, thú Động Đình quân nữ, sinh ra Lạc Long Quân – tự là Sùng Lãm, ngài thú đức Âu Cơ sinh trăm con trai, sau 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống vùng biển khai phá, gìn giữ mở mang bờ cõi, ngài truyền cho con cả nối ngôi – vua Hùng Vương thứ nhất …”
“Kể từ khi Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hóa, vua thì lấy đức mà cảm hóa dân, rũ áo khoanh tay, dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm đế ư ? Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ của người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã giàu thọ lại nhiều con trai từ xưa tới nay chưa từng có, Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban tước huệ để vỗ yên dân…”
“Kỷ Hồng Bàng thị – Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ thần Nông…”
Phù hợp với những chứng tích tại các di tích Khảo cổ học, khu vực lăng mộ và đình miếu ghi nhận về Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đã đặt niên mốc 2873 TCN vào trang đầu lịch sử dựng nước. Tiếp đó là sự có mặt của Lạc Long Quân con trai và người kết tục sự nghiệp Kinh Dương Vương trên vùng đất này…
Tôn trọng sự thật lịch sử, ngày 2/2/1993. Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định số 74/VH-QĐ công nhận “Di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành”.
Dù cho chiến tranh tàn phá, bão lũ hủy hoại, nhân dân Á Lữ luôn bảo trọng, tôn tạo khu di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để nhân dân trong làng và du khách thập phương quanh năm hương khói và tụ hội ( từ 15 đến 18 tháng giêng âm lịch hàng năm) dâng hương bái lạy tiên tổ biểu thị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương khẳng định Bắc Ninh là vùng đất người Việt cổ sớm tụ cư – cái nôi chốn tổ của đất Việt. Và làm phong phú thêm kho tàng lịch sử xứ Bắc cổ kính và văn hiến; sáng rõ thêm cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Di tích đền thờ Sĩ Nhiếp bị lãng quên?




Di tích đền thờ Sĩ Nhiếp bị lãng quên?



Sỹ Nhiếp là vị Thái thú duy nhất được nhân dân ngưỡng vọng nhớ ơn và suy tôn
là Sỹ Vương Tiên, Thánh Nam Giao, Nam Giao học tổ. Thế nhưng, di tích đền thờ
ông hiện nay xem ra không xứng tầm với công lao ấy.
Sỹ Nhiếp là người truyền bá văn hóa văn minh Hán học vào nước ta, đã xây dựng Luy Lâu sầm uất như 
một kinh đô của nước độc lập. Ông cho dựng chùa và tạc tượng “tứ pháp”, là người mở mang và khai 
Hội Dâu. Sỹ Nhiếp cũng là vị Thái thú duy nhất được nhân dân ngưỡng vọng nhớ ơn và suy tôn là 
Sỹ Vương Tiên, Thánh Nam Giao, Nam Giao học tổ. Thế nhưng, di tích đền thờ ông hiện nay xem ra 
không xứng tầm với công lao ấy.

Đền thờ Sỹ Nhiếp
Di tích đền thờ Sỹ Nhiếp




Công lao còn đó
Sĩ Nhiếp người gốc Trung Quốc, tổ tiên đã sang ta được 7 đời nên ông đã được xem như Việt.
Trong thời gian làm thái thú 40 năm (187-226), hai lần được phong tước: Long Bộ Đình Hầu
(triều Đông Hán) và Long Biên Hầu (triều Ngô). Khi ấy, dù cả nước Hán loạn lạc liên miên
nhưng vùng đất của ông quản vẫn thái bình thịnh trị. Ông đã cho xây dựng Luy Lâu thành
trụ sở và trung tâm kinh tế, văn hóa, nơi truyền bá kinh Phật đầu tiên ở Giao Châu, mở rộng
 với quy mô to lớn, trở thành công trình phòng vệ kiên cố và căn cứ quân sự lợi hại. Lập trường
dạy chữ Hán đầu tiên để truyền bá Nho học.
Ông còn cho xây dựng một hệ thống chùa dày đặc, Hội Tứ Pháp gồm chùa Dâu (Thờ Pháp Vân),
 chùa Đậu (thờ Pháp Vũ), chùa Tướng (thờ Pháp Lôi), chùa Dàn (thờ Pháp Điện), lấy chùa Dâu 
làm trung tâm. Chính văn bia ở đền thờ Sỹ Nhiếp trong Thành Luy Lâu đã xác nhận: “Sĩ Nhiếp
 người nước Lỗ, là vị chân Nho, làm Thứ sử Giao Châu, hành đức giữ gìn Phật tượng ở ấp Lũng
 Chiền, Siêu Loại, Luy Lâu Thành”.
Ông đã biến Dâu thành trung tâm phật giáo lớn và cổ xưa nhất nước ta. Các tăng sĩ Ấn Độ trực 
tiếp đến truyền giáo. Hệ thống chùa tháp được xây dựng dày đặc trong vùng. Chính Sĩ Nhiếp 
đã khéo kết hợp tín ngưỡng bản địa với Phật giáo để điển lệ hoá thành lễ hội Tứ Pháp duy trì 
đến tận ngày nay và nó còn lan toả sang nhiều vùng quê khác ở đồng bằng Bắc bộ.
Vai trò của người xây dựng nên thành Luy Lâu được sách Đại Việt sử ký toàn thư nêu cao, đặt 
riêng là kỷ Sỹ Vương; Sử thần Ngô Sỹ Liên đánh giá: "Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc
 là một nước văn hiến là bắt đầu từ Sỹ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà 
có thể truyền mãi đời sau…"". Khi Sĩ Nhiếp mất, con trai là Sĩ Huy tự xưng làm Thái Thú, 
nhà Đông Ngô sai Trần Thì sang thay Sĩ Nhiếp làm Thái thú. Sĩ Huy đã tổ chức quân đội 
chống lại quân Ngô do Lục Dận chỉ huy nhưng bị lừa bắt giết nên thất bại và được dân vùng Dâu 
thờ làm thành hoàng.
Thành Luy Lâu hiện còn giữ nguyên được một nửa thành cũ với diện tích 132.258m2 ở phía 
Tây Nam. Bờ thành bằng đất còn cao khoảng 1-2m, mặt thành rộng 1,5m. Trong khu vực thành 
còn đền, mộ, chùa, tứ trấn (4 gò đất nhô cao lên so với mặt thành). Qua một số đợt khai quật, các 
nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như: Đồ gốm, gạch ngói 
ời Hán, hàng trăm lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị 
cháy…Với giá trị lịch sử to lớn, nhà nước đã sớm nghiên cứu và công nhận thành Luy Lâu là di tích
lịch sử cấp quốc gia từ năm 1964.
Tẻ nhạt nơi thờ tự
Thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, cách chùa Dâu khoảng 1km, đền thờ nằm ở giữa 
cánh đồng (trong khu thành Luy Lâu xưa). Để đến được phải đi bộ qua con đường đất nhỏ và bờ 
ruộng. So với chùa Dâu thì đền quả là quá nhỏ bé. Chỉ là mấy gian nhà ngói trông như một số đình, 
chùa của một làng nào đó. Dấu tích còn sót lại là chiếc cầu đá, bên trong đền là pho tượng Sĩ Nhiếp 
tồn tại gần 1800 năm nay.
Theo cụ Đỗ Như Nghiên (70 tuổi), người có bốn đời làm thủ nhang, trông coi khu đền này thì ngày
 xưa có đầy đủ cả tam bảo, nhưng do chiến tranh tàn phá, và trận mưa đá năm 1957 đã làm hư hại
 nhiều, rất may là còn bảo vệ được tượng nguyên vẹn. Tuy mới được tu sửa hơn chục năm nay, 
chỗ ban đặt tượng mới xong mấy tháng nay nhưng vẫn còn đơn sơ.
Cụ Nghiên tâm sự: “nhân dân rất muốn quần thể di tích này có được quy mô xứng tầm. Giám Đốc 
Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Duy Nhất, đã nói sẽ có kế hoạch xây dựng lại đền nhưng 
phải năm rưỡi, hai năm nữa. Mà cũng chưa biết là xây dựng quy mô như thế nào?” Chúng tôi có 
thắc mắc, Sĩ Nhiếp có công lao lớn như vậy mà sao đền thờ lại nhỏ bé thế? Theo như cụ được biết, 
nguyên nhân chính có thể do Sĩ Nhiếp là người có gốc gác Trung Quốc?
Nếu quả đúng như vậy, chúng ta có nên chăng xem xét lại? Chúng ta đã có những công viên, tượng 
đài, những tên phố, tên trường học, bệnh viện mang tên những người nước ngoài có công với đất 
nước; Hay như Khổng Tử chưa từng đặt chân đến nước ta, còn có đền thờ từ bao đời nay ở Văn 
Miếu. Chính đó đã thể hiện tính nhân văn của dân tộc. Vậy nên, đáng ra di tích đền thờ và lăng 
Sỹ Nhiếp phải có được một diện mạo xứng tầm.
Theo báo Pháp Luật